Vụ thu hoạch cà chua bi của bà mẹ 8x.
Nhìn thế này, ai cũng muốn bắt tay vào trồng cà chua ngay lập tức.
Cô “nông dân phố” rất tự hào với những chậu cà chua sai quả của mình.
Cà chua chắc hẳn là một loại quả không còn xa lạ gì với chúng ta, tuy nhỏ bé nhưng mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe con người. Không chỉ vậy, cà chua rất được chị em phụ nữ ưa chuộng trong khía cạnh làm đẹp bởi nó có chứa nhiều caro-tene và các chất chống oxy hóa giúp trẻ hóa làn da. Chính vì vậy mà chị Thương dành hẳn một góc vườn, đầu tư nhiều công sức, tỉ mỉ từ khâu làm đất, ươm hạt và chăm sóc để cuối cùng chị được bội thu với những cây cà chua bi sai lúc lỉu, nhìn đã thấy thích mắt.
Cây cà chua cho hàng trăm trái nhìn đã thấy thích mắt.
“Hai cây cà chua bi của mình đã thu được hơn 500 trái và còn ít nhất 200 trái trên cây, chưa tính đang ra hoa. Riêng chiều nay mình cắt được hơn 300 trái. Với hơn 30 cây cà chua loại to hơn cái chén ăn cơm chuyên xay sinh tố, ít hạt, bột nhiều cây đang đơm hoa kết trái, có cây mình đếm thử tới 30 trái chưa tính trái nhỏ và hoa”, chị Thương vui vẻ kể lại trên trang cá nhân.
Xem những chia sẻ của chị Thương, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên rồi hỏi xin bí quyết. Chị Thương cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết của mình, chị cho biết: “Mình rất tỉ mỉ, cẩn thận làm mọi công đoạn, từ việc làm đất, ươm hạt và chăm sóc, tỉa cành. Thường xuyên chú ý để phát hiện sâu bệnh và diệt luôn. Nếu bệnh nhẹ, có thể dùng nước tự pha để xịt vào gốc, thân và lá cây, còn bệnh nặng thì buộc phải dùng thuốc”.
Nếu bạn cũng muốn có những cây cà chua tự tay trồng cho nhiều trái như cô “nông dân phố” này, bạn có thể tham khảo một số bí quyết khi trồng và chăm sóc cà chua để có những cây cà chua “cực mắn” của chị Thương như sau:
– Ươm hạt:
Ngâm hạt cà chua trong nước có tỷ lệ 2 nước sôi:3 nước lạnh trong vòng khoảng 4 tiếng. Sau đó, lấy khăn giấy nhúng nước vắt còn ẩm, cho hạt cà chua lên giấy và bỏ vào túi zipper rồi cho vào ngăn kéo tủ, khoảng 3 ngày để hạt nứt nanh là có thể đem đi ươm được.
– Chuẩn bị đất ươm:
Nguyên liệu gồm xơ dừa xử lý, phân bò ủ hoai sàng lấy hạt nhỏ được trộn với đất rồi chia thành từng khay hoặc ly. Sau đó, lấy nhíp gắp hạt cà chua vào ly (khay), chú ý để phần mầm hướng lên mặt đất rồi phủ một lớp mỏng xơ dừa.
– Chuyển ra chậu trồng:
Khi cây cao khoảng 8 cm thì bứng nguyên đất để ra chậu trồng, tùy theo điều kiện trồng của từng nhà. Đối với chị Thương thì cách của chị là trồng bằng thùng earthbox (bốn bề đều kín mít, không chọc thủng đáy) và chỉ sử dụng xơ dừa, phân bò ủ hoai, trấu hun và hoàn toàn không cần đất.
– Bấm ngọn, bón phân:
Khi cây đủ 18 lá thì bấm ngọn. Cây cà chua là loại cần dinh dưỡng cao nên cách ngày chị lại tưới phân cá một lần (phân ủ bằng ruột cá, đầu cá), đồng thời bổ sung thêm nước thủy canh. Nếu bạn không thì dùng nước thủy canh thì có thể pha một muỗng cafe đạm đổ xuống phần dự trữ nước cung cấp cho cây 2 lần/tuần.
– Tỉa hoa:
Khi cây ra hoa đợt đầu tiên thì ngắt bỏ hết hoa và nụ rồi tưới đạm dưỡng sức cho cây lần sau ra trái sai, cây bền khỏe hơn.
Khi cây ra hoa đợt 2, nếu không có gió thì cần rung nhẹ cây để thụ phấn, hạn chế tưới nước lên lá và hoa. Trong giai đoạn này cây nhà chị Thương có thể hút hết 10 lít nước trong một ngày, trời mưa hút 7 lít, khi cây có nước đầy đủ, cung cấp 24/24 cây mới khỏe ra trái sai.
– Trị bệnh:
Cây cà chua là loại cây kháng sinh rất yếu, cây có thể phát bệnh trong vòng 4 ngày là chết. Cây dễ bệnh trong thời kỳ ra hoa và trái, cần phòng ngừa bằng cách xịt thuốc côn trùng sinh học với tỏi-ớt-gừng… nhưng nếu cây phát bệnh thì phải dùng thuốc mua đặc trị chứ thuốc tự chế không kịp thời cứu cây được.
Điểm cần lưu ý nữa là cà chua cần tưới vào sáng và chiều nên khi còn nắng. Nếu tưới vào tối, cây hay bị sâu bệnh.
Những trái cà chua chín đỏ mọng, thành quả của chị Thương.
0 nhận xét: