Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận "lột xác ngoạn mục" thành ngôi nhà đầy cảm hứng




Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 1.


Với tôi những ngôi nhà xưa, mái ngói đã ngả màu, cánh cửa đã bạc, lớp vôi tường ngả màu loang lổ luôn mang lại cảm xúc đặc biệt. Thú thực, tôi rất có cảm tình với những ngôi nhà như thế. Chạm vào những bức tường loang như bảng màu pha vụng, ngồi trên những chiếc gỗ nâu cũ kĩ, hít hà hương nhà cũ đưa lại, chẳng hiểu sao, tôi thấy như thể gặp lại cố nhân, trong phút chốc như thể bắt được những cảm xúc khóc, cười đã ghi dấu ấn trong từng centimet của ngôi nhà hàng chục năm tuổi.


Nhưng có bay bổng đến mấy, tôi cũng biết rằng, theo thời gian, những ngôi nhà xưa đã gồng mình che chở nắng bão, mưa giông rồi sẽ hư hại, xuống cấp. Và dù muốn – dù không, dù tiếc nuối đến mấy thì việc cải tạo lại hoặc xây mới là điều chẳng thể tránh khỏi. Bởi thế cuối cùng việc chúng ta có thể làm cho những căn nhà đong đầy hồi ức, đã làm nên cả một bầu trời thơ ấu chính là để ngôi nhà mới vẫn giữ được chút hồn xưa mà thôi.


Khổ một nỗi, thường cứ trông đợi lắm lại… thất vọng nhiều bởi xây mới thì nhanh chứ giữ lại hồn xưa ở một ngôi nhà mới thì khó lắm thay. Thế nên khi được anh bạn giới thiệu rằng ở Bình Thuận có ngôi nhà đúng như tôi tìm kiếm, tôi gần như đứng ngồi không yên để chờ đến khi được tận mắt ngắm nhìn.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 3.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 4.


Ngắm những bức ảnh của ngôi nhà gần 60 năm tuổi với tường vàng, mái ngói, cửa xanh rất đặc trưng của kiểu nhà xưa và ngôi nhà hiện tại, tôi không khỏi “wow” lên bất ngờ. Cuộc lột xác thành công ngoạn mục! Vẫn cốt nhà tầng trệt đặc trưng của làng chài vùng duyên hải Nam Trung Bộ nhưng nhìn vào đó, người ta thấy cả bóng dáng và hơi thở đương đại. Sắc trắng cùng hệ cửa gỗ nâu đậm vừa đủ để mang đến cho ngôi nhà phong cách tối giản đúng trend, và cũng vừa vặn để giữ lại cái nhìn cổ điển cho ngôi nhà.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 5.


Ngôi nhà trước và sau khi cải tạo




TP House là tên của ngôi nhà bắt đầu được cải tạo vào giữa năm 2016 với tổng chi phí xây dựng – cải tạo là 300 triệu đồng. Chủ nhà vốn đang định cư ở nước ngoài nên chủ đích của anh chị khi cải tạo lại ngôi nhà là biến nơi đây thành không gian thờ cúng, đồng thời đây cũng là nơi anh chị sẽ lưu trú mỗi khi trở về quê hương. Và mong muốn của gia chủ cũng rất rõ ràng, đó là vừa phải gìn giữ được nét truyền thống, vừa đảm bảo được tiện nghi cho cuộc sống hiện đại. Dĩ nhiên đề bài không hề dễ, “nhưng với gia chủ mong muốn đó chính đáng quá còn gì” – tôi nhủ thầm.


Như mọi ngôi nhà xưa, trước khi cải tạo, TP House xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, công năng không được phân chia hợp lý, và vì là nhà cũ nên không có giải pháp về thông gió tự nhiên. Bởi thế, khi bắt tay vào cải tạo, các kiến trúc sư quyết định phân chia lại không gian cũng như đơn giản hóa công năng cho ngôi nhà. Không gian nhà được chia theo tỉ lệ 1:3 cho hai mảng truyền thống và hiện đại.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 6.


Bước vào nhà, bạn sẽ gặp ngay không gian thờ phụng đúng theo kiểu nhà của miền duyên hải. Bộ bàn ghế, chiếc tủ thờ và cả chiếc đồng hồ quả lắc được giữ nguyên từ nhà cũ. Chúng đã trải qua hàng chục năm tuổi nên dẫu có được đánh bóng, làm mới đi nữa thì vẫn chẳng thể che dấu đi nổi màu thời gian đã hằn trên màu gỗ. Tất cả mang đến cho nơi thờ cúng chất xưa đậm đà.


Nhưng đi qua bức tường mỏng là cả một không gian khác, đối lập đến bất ngờ. Tôi bắt gặp ở đây bộ sofa chữ L bọc da êm ái, bộ bàn ăn với những chiếc ghế katakana đầy hiện đại vẫn thấy ngôi nhà trong báo Tây. Khu bếp cũng đậm đặc chất Âu Mỹ với kiểu bếp chữ I tích hợp đủ không gian nấu nướng – bồn rửa gọn gàng.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 7.


Trước và sau khi cải tạo




Và cả góc tiểu cảnh rất xinh kia nữa. Cũng chẳng cầu kỳ gì đâu nhưng một cây hoa sứ đang đơm bông thơm phức, vài gốc chuối cảnh hay mấy cây cọ con con xanh mướt mắt đang vươn mình trong ánh năng chan hoà, chúng khiến tôi nức lòng bởi một góc vườn quá đỗi an yên ngay trong nhà. Cả chiếc ghế nghỉ với lớp nệm êm, chiếc chân cong đang chờ sẵn nữa. Chỉ cần thêm cuốn sách, pha tách trà thì có khác gì đi nghỉ ở resort sang chảnh đâu cơ chứ! Và vào những đêm sáng trăng, góc này không phải rất tuyệt để hoà mình vào thiên nhiên hay sao?


“Kì cục” – tôi nghe chính mình thốt lên từ đó khi thăm ngôi nhà. Nhưng kì cục ở đây không phải nằm ở sự đối lập hoàn toàn giữa 2 không gian cách nhau chỉ một bức tường, mà là việc hai không gian tưởng như không liên quan ấy khi nằm bên nhau lại hòa hợp, không chênh, không phô đến bất ngờ. 


Có lẽ mảng không gian kiến trúc sáng màu, những khoảng tường kính giúp ngôi nhà tràn ngập ánh sáng và cả mảng tiểu cảnh xanh xinh đẹp đã khiến cho 2 kẻ xa lạ xích lại gần nhau, mang cho chúng những điểm chung ngỡ như chẳng thể nào có nổi.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 8.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 9.


Dù là kiểu nhà tầng trệt, diện tích đất tới 94m2 nhưng ngôi nhà này lại có một nhược điểm thường thấy của nhiều ngôi nhà Việt, đó là kiểu nhà ống, vốn dĩ dễ thiếu sáng vô cùng. Bởi thế trong quá trình thiết kế, để đạt được mong muốn của chủ nhà, kiến trúc sư có vô số đầu việc nhỏ phải tính cho kĩ, đó là chọn chất liệu cho nội thất, xử lý ánh sáng cho không gian và lựa chọn màu sắc cho phù hợp.


Dù theo tính toán ban đầu, phần truyền thống chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ thôi, nhưng xuyên suốt trong hơn 1,5 tháng cải tạo, để giữ chất, giữ hồn của nhà xưa, các kiến trúc sư tốn khá nhiều công sức để kiến tạo lại cốt nhà truyền thống.



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 10.


Bởi muốn giữ cho ngôi nhà đúng chất Bình Thuận, toàn bộ hệ cửa chính và cửa sổ lớn của ngôi nhà được làm bằng gỗ căm xe – một loại gỗ rất tốt, thường được người xưa làm bánh xe bò vì độ bền chắc đặc trưng. Song song với đó, thiết kế cửa sổ chính với những nan gỗ ghép cũng khiến người ta liên tưởng đến những nan cửa gỗ của kiểu nhà cũ. Chỉ khác rằng, thay vì tháo lắp từng tấm một, những nan cửa này nay được thiết kế trục xoay, đúng chất hiện đại hơn.


Đồng thời, trong quá trình thi công, ngoại trừ bộ sofa và một số đèn trang trí phải mang từ Sài Gòn về, kiến trúc sư tận dụng tối đa vật liệu địa phương. Kết quả tổng chi phí cho nội thất của ngôi nhà là 120 triệu đồng, với tôi, đây là con số rất hợp lý cho ngần kia những bàn ghế rất xinh, rất Tây, cho khu vườn tiểu cảnh xanh mát mắt, chỉ nhìn thôi cũng thấy thư giãn rồi.


Nhưng thú thực là nếu ấn tượng với nội thất 1 thì tôi ấn tượng với cách chọn màu sắc và ánh sáng của ngôi nhà 2, 3. Bạn có thể nói: màu sắc gì đâu, chỉ là những mảng tường trắng, sàn ghi nhạt xuyên suốt, điểm thêm vài món nội thất tối màu. Siêu đơn giản. Nhưng này, bạn biết không, chính cặp màu ghi – trắng ấy mới là phông nền hoàn hảo để tôn lên bất cứ chi tiết nào trong nhà, và cũng chính nhờ cái nền đơn giản ấy mà hai khu vực truyền thống – hiện đại mới tìm được điểm chung để cùng nhau “tỏa sáng” mà chẳng cái nào bị lu mờ. 



Chỉ 300 triệu đồng cải tạo, nhà trệt cổ 60 năm tuổi ở Bình Thuận lột xác ngoạn mục thành ngôi nhà đầy cảm hứng - Ảnh 11.


Trước và sau khi cải tạo




Trong không gian kiến trúc sáng màu hài hoà ấy, ánh sáng như thể một gia vị thần kỳ khiến bức tranh thêm hoàn hảo. Cách xử lý để lấy sáng cho ngôi nhà được xử lý rất khéo, này là hệ lam gỗ – kính ở mặt tiền, này là trần hắt nơi phòng khách, tường kính góc bếp nấu hay khung cửa sổ nơi phòng ngủ. Những tấm kính lớn được phân bổ đều ở các không gian khiến vào ban ngày, chẳng cần bật đèn thì ngôi nhà cũng đã ngập tràn ánh sáng tự nhiên. Tôi luôn tin rằng, một ngôi nhà đẹp phải là một ngôi nhà đủ sáng và hài hoà với thiên nhiên. Và với minh chứng cụ thể, rõ ràng thế này, tôi lại càng có thể khẳng định rằng mình chẳng nhầm chút nào.


Khác với những ngôi nhà khác, tôi đến thăm TP House mà chẳng gặp được chủ nhà. Nhưng không gian xinh xắn, ấm cúng ấy khiến kẻ kĩ tính như tôi phần nào không bận lòng về sự thiếu trọn vẹn ấy. Chậm rãi ngắm ngôi nhà truyền thống mang hơi thở đương đại, hít căng lồng ngực không khí trong lành của miền biển, tôi biết, họ sẽ sớm về thôi. Bởi vì, quê hương là chùm khế ngọt, và vì, họ luôn có một ngôi nhà ấm cúng và xinh đẹp thế này để nhớ thương.









banner
Previous Post
Next Post

0 nhận xét: